Cốt lõi của sự học là tự học
Tâm sự

Cốt lõi của sự học là tự học

NGHĨ VỀ SỰ HỌC

Nếu quan sát một đứa trẻ mới vào lớp 1, ai cũng dễ dàng nhận ra bọn trẻ con bây giờ học nhiều quá. Nào học trên lớp, học sáng học chiều, tối về vẫn ngồi học để hoàn thành bài tập, cuối tuần có khi còn đi học thêm.

Nghĩ lại mới thấy thời ngày xưa cũng bằng tuổi chúng nó, mình vẫn đang là cô bé cậu bé vô lo vô nghĩ, ngoài thời gian học là chạy ngay sang nhà đứa bạn chơi đủ thứ trò chơi, nào đánh chắt, chơi chuyền, ô ăn quan,… mà đến giờ đôi khi vẫn nhớ những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp và trong trẻo quá!

Chẳng như tụi trẻ con bây giờ, phải nói là chúng nó rất thiệt thòi mới đúng. Nền giáo dục hiện tại khiến không chỉ trẻ con mà phụ huynh cũng áp lực không kém. Đó là sự ganh đua, so sánh, đánh giá dựa trên điểm số. Làm sao để đạt thành tích cao, có nhiều học sinh giỏi, đoạt giải này giải kia thì mới là niềm tự hào của thầy cô, của nhà trường.

Kết quả chưa thấy đâu nhưng đã thấy rõ sự uể oải, mệt mỏi của nhiều bạn nhỏ vì không theo kịp các bạn trong lớp, thành ra việc học trở nên vô cùng khó khăn. Cô giáo và các bạn cùng lớp còn gọi là “ốc sên” vì viết chậm làm cả lớp phải chậm theo.

Nhưng điều tồi tệ hơn thế đó là chúng ta dựa vào đó để đánh giá rằng đứa trẻ này thông minh hơn đứa trẻ kia. Hay có suy nghĩ là con nhà mình chậm tư duy, chậm hiểu, chậm tiếp thu. Rồi càng thúc ép con phải học nhiều, học nữa, thậm chí học trước chương trình để có thể theo kịp các bạn. Con học trong sự tự ti và bị so sánh. Liệu rằng đó có thực sự là cách để giúp con học tốt hơn hay chỉ là một vòng luẩn quẩn không hồi kết? 

Không chỉ đối với việc học ở trường mà ở bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực khác cũng thế, nếu không xuất phát từ niềm say mê, yêu thích thì những điều ta đang làm chỉ đơn thuần là sự ép buộc. Ta làm vì người khác, vì nghĩ nó tốt thì làm hoặc thấy người khác làm hay quá thì mình cũng làm theo.

Đối với trẻ con thì khó có sự lựa chọn hơn. Nếu cha mẹ không thực sự hiểu về các loại hình thông minh của trẻ. Nói cách khác là không đủ sự thấu hiểu con mình, nhận ra năng khiếu của con, điểm đặc biệt của con thì thực sự là điều đáng tiếc cho cả tuổi thơ của con khi vừa phải chạy đua điểm số trên trường, vừa bị cha mẹ thúc ép, gây áp lực không kém. Việc học thực sự là điều gì đó quá nặng nề, quá chán nản. Nên nhiều người nói đùa là: Nhìn mặt bọn trẻ bây giờ đứa nào cũng như ông bà già, mắt đeo kính, cặp đeo trĩu người đến còng lưng.

Hiểu như thế thì thay vì tra hỏi điểm số của con, mình cũng nên tạo cho con niềm vui khi trở về nhà. “Con đi học có vui không?”, “Hôm nay ở lớp học có gì vui không con?”, “Kể chuyện cho mẹ nghe nay ở lớp con học điều gì mới?” và cũng cần khuyến khích, động viên con nhiều hơn nữa khi con có sự tiến bộ.

Mình nghĩ rằng khó nhất của việc học và cũng chính là cốt lõi của sự học chính là tự học. Mà muốn con tự học trong sự vui vẻ, thích thú thì trách nhiệm của cha mẹ chính là giúp con yêu thích việc học. Mọi thứ ép vào khuôn khổ một cách cứng nhắc sẽ càng làm “thui chột” sự sáng tạo, khả năng tuyệt vời của con. Thay vào đó, vẫn tạo cho con những thói quen tốt, khích lệ và giúp con phát triển những điểm mạnh của bản thân. Quan trọng nhất là giúp con hiểu rằng: Việc học đến cuối cùng để làm gì?

Có phải là chỉ để bằng người này người kia hay không?

Có phải là chỉ để thành công theo định nghĩa của xã hội nhưng bản thân lại không hề cảm thấy hạnh phúc, yêu thích với ngành nghề mình đang theo đuổi?

Học gì cũng được, miễn sao đó phải là ngành nghề mình biết đó là thế mạnh của bản thân, mình cảm thấy muốn sống cùng nghề này, nó khiến cho mỗi ngày của mình trôi qua ý nghĩa, trọn vẹn hơn.

Sự học đến cuối cùng nếu không thể đem đến cho cuộc sống của mỗi người niềm hạnh phúc, muốn cống hiến, muốn trao đi giá trị cho xã hội thì chắc chắn đấy mới là sự thất bại to lớn nhất.

Còn bạn, bạn suy nghĩ như thế nào về việc học? Chia sẻ cùng Phương nhé 🌿

Phuong Hako viết –

Nguồn: Viết Như Là Thở 

Leave a Comment