MẶT HỒ TĨNH LẶNG | Số 02: Điều Phục Cơn Giận | Tác giả: Phuong Hako
Radio

MẶT HỒ TĨNH LẶNG | Số 02: Điều Phục Cơn Giận | Tác giả: Phuong Hako

Điều phục cơn giận

Các bạn thân mến! Trong cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn sẽ có những lúc bạn cảm thấy bị thất vọng, bị tổn thương và nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Nếu không có sự quán chiếu, bạn rất dễ rơi vào tình huống nổi giận. Và có những biểu hiện cộc cằn, thô lỗ trong lời nói, hành động, qua ánh mắt, nét mặt,… Và chính cơn giận sẽ gây cho chúng ta và những người xung quanh nhiều phiền muộn, rắc rối. Vậy làm thế nào để điều phục cơn giận?

Theo quan điểm của đạo Phật về sự nóng giận. Đó là một loại cảm xúc tiêu cực. Cơn giận che lấp tâm trí chúng ta, cho nên chúng ta không thể nào thấy được sự thật. Không thể nào đạt được niềm hạnh phúc đích thực. Bởi, khi người ta nổi giận thì thường không kiểm soát được những ý nghĩ, hành động và lời nói của mình. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy rằng: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Một đốm lửa sân, có thể đốt cháy muôn mẫu rừng công đức). Trong kinh Hoa Nghiêm cũng có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (Một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra)

Cách phản ứng với cơn giận

Cách phản ứng thông thường của rất nhiều người khi đối diện với cơn giận. Một là kìm nén ở trong lòng và hai là biểu hiện ra bên ngoài. Thế nhưng đạo Phật không tán thành với cả hai cách hành xử ấy. Bởi vì nếu chúng ta kìm nén cơn giận thì cơn giận vẫn tiềm ẩn ở trong tâm chúng ta. Đến khi chúng ta không làm chủ được tâm thì sự tức giận ấy sẽ bộc phát. Và cách làm này chẳng khác gì lấy đá đè cỏ. Khi đá còn đè lên cỏ thì cỏ không phát triển được. Nhưng khi đá được lấy đi thì cỏ lại phát triển rất mạnh mẽ.

Chúng ta có thể mỉm cười khi chúng ta kìm nén cơn giận Nhưng sự tức giận vẫn hiện hữu trong tâm chúng ta. Không những thế, khi bạn ghì chặt cơn giận trong lòng thì bạn cũng không hề có sự an vui. Những lúc như thế thường có rất nhiều tư tưởng độc hại nảy sinh ở trong tâm trí. Nó làm cho ta bực tức, khó chịu. Còn nếu chúng ta để cho cơn giận của mình thỏa sức biểu hiện. Rất có thể chúng ta sẽ làm hại đến người khác, làm hại cho cho chính mình.

Nhìn thật sâu vào bản chất của cơn giận

Theo đạo Phật, chúng ta không nên kìm nén, cũng không để cho cơn giận thể hiện một cách tự do. Mà chúng ta cần nhận diện nó, ôm lấy nó với tâm yêu thương của mình. Mỗi khi nổi giận, chúng ta phải ý thức rõ là sự tức giận đang nảy sinh. Nhận ra nó một cách trung thực chứ không nên giả vờ như là chúng ta không có tức giận gì. Chúng ta nhận diện cơn giận của mình, thừa nhận sự hiện hữu của nó. Đồng thời giữ cho tâm mình được an tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở, thở nhẹ và sâu.

Sau đó trải lòng từ bi đến cơn giận, dùng tình thương để ôm ấp cơn giận, chứ không phải là kìm nén nó. Và nhìn thật sâu vào bản chất của cơn giận, quán chiếu về những hậu quả khổ đau mà sự tức giận có thể gây ra cho mình và người.

Khi chúng ta ôm cơn giận vào lòng với tâm thương yêu như thế. Chúng ta cũng có thể trải lòng thương yêu đến người đã khiến cho ta nổi giận. Bạn có thể quán tưởng rằng, chính người đó cũng đang đau khổ, đang có những vấn đề bất ổn ở trong lòng, tại vì họ không biết cách giải quyết nên mới có những hành xử không phù hợp với mình, vì thế họ đáng thương hơn là đáng giận. Với cách thức này thì cơn giận của chúng ta sẽ dần dần được chuyển hóa và năng lượng của cơn giận sẽ không còn nữa. Thay vào đó là năng lượng của sự tỉnh thức và lòng thương yêu, thương yêu chính mình và thương yêu mọi người.

Thực hành chuyển hóa cơn giận

Nói thì rất dễ nhưng khi thực hành vào thời gian đầu, không dễ dàng để bạn có thể ôm cơn giận vào lòng. Chẳng hạn trong trường hợp bạn đang giận hờn đối phương. Bạn có thể gửi cho người ấy một thông điệp gồm có 3 câu. Ba câu ấy như sau:

  1. Em đang giận anh. Và em muốn anh biết điều đó.
  2. Em đang cố gắng thực tập.
  3. Em cần anh giúp em

Khi mình giận, mình khổ, mình phải nói là mình đang giận đang khổ. Không việc gì mình phải nói tránh đi. Nói cho người kia biết, đó là phận sự của mình. Người kia có thể là cha, mẹ, anh, chị, vợ, chồng, con trai, con gái hay bạn bè của mình. Biết được mình đang khổ, đang giận, người kia cũng có cơ hội quán chiếu: Ta đã nói gì, ta đã làm gì để cô ấy giận? Đó là một sự mời mọc khéo léo để người kia cũng có cơ duyên thực tập.

Khi mình có thể viết xuống câu thứ 3. Đó là câu khó biểu đạt nhất. Bởi khi giận, chúng ta thường có khuynh hướng trừng phạt, chứng tỏ mình không cần tới người ấy. Vậy cái hay ở đây là mình có thể nói: Em cần anh giúp em, tức là mình không bị cái tự ái chặn đường nữa. Một bí quyết nhỏ là bạn hãy chép ba câu ấy vào một mảnh giấy hoặc một cuốn sổ, để khi giận, nhất là khi giận người mà mình thương yêu nhất thì hãy nhắc nhớ mình. Bạn biết cần làm gì và không nên làm gì. Bạn đã chuyển hóa được năng lượng giận hờn thành năng lượng tích cực. Và đó là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Hi vọng rằng với những chia sẻ của Phuong Hako đã giúp bạn có thêm kiến thức để nhận diện và chuyển hóa cơn giận của mình.  

Cảm ơn bạn đã lắng nghe bài viết trong chuỗi radio: Mặt hồ tỉnh thức. Rất mong bạn có thể chia sẻ tới cộng đồng.

Mời bạn theo dõi bản nghe Radio Số 02: Điều Phục Cơn Giận | Tác giả: Phuong Hako tại đây:

Xem thêm:

MẶT HỒ TĨNH LẶNG | Số 01: Vết Thương Tỉnh Thức | Trịnh Công Sơn

Leave a Comment