Đừng để tham vọng của cha mẹ cướp đi tuổi thơ trẻ..
Kỹ năng viết

Đừng để tham vọng của cha mẹ cướp đi tuổi thơ trẻ..

Đừng để tham vọng của cha mẹ cướp đi tuổi thơ trẻ..

Phuong Hako xin trích dẫn một đoạn văn hay trong cuốn sách của tác giả K.SRI DHAMMANANDA, bạn đọc quan tâm hãy mua sách để thưởng thức trọn vẹn!

“…Nhiều bậc cha mẹ đã cảm thấy thất vọng hay buồn bã khi con cái không sống theo ý họ. Điều quan trọng đối với họ là phải làm sao thể hiện được sức mạnh về vật chất và vượt trội so với bạn bè hay hàng xóm trong khi những giá trị tinh thần lại bị lãng quên. Thật không may, con trẻ lại vô tình trở thành nạn nhân của những áp lực tâm lý này. Chúng được yêu cầu phải xuất sắc trong học tập, có một công việc thu nhập cao, thăng tiến trong xã hội và có càng nhiều tiền càng tốt. Rất nhiều cha mẹ không hề dạy bảo con cái về đạo đức như lòng biết ơn, lòng kính trọng, sự liêm chính và lòng vị tha. Việc chạy theo vật chất và tiền bạc đã khiến họ quên đi tất cả.

Do bởi những áp lực này, các bậc cha mẹ, dù đúng hay sai, đã không hề nghĩ đến hậu quả khi chỉ ép buộc con cái phải làm việc cật lực để đạt được cái mà họ gọi là “thành đạt”.

Lẽ tất nhiên cha mẹ có thể nhìn thấy được những phẩm chất và đức tính của mình thể hiện một cách rõ nét ở con cái. Chính vì vậy, họ đã áp đặt cho con cái những quy tắc về việc phải trở nên thông minh, hòa nhập và vượt trội hơn người khác. Họ luôn mang nặng một suy nghĩ rằng thành đạt đồng nghĩa với việc có khả năng cạnh tranh, chiếm đoạt và trấn áp đối thủ. Vì vậy, họ phớt lờ đi những nhu cầu hài hòa trong bản thân.

Trong một xã hội tiêu biểu, nơi mà trẻ con dù thích hay không thích đều bị cha mẹ ép buộc phải tham dự những khóa học về máy tính, âm nhạc, ballet, bơi lội…Họ có một niềm tin sai lầm rằng chỉ những hoạt động này mới quan trọng cho sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Không có gì sai lầm khi cho con trẻ tham gia vào những khóa học đầy bổ ích nếu chúng thật sự thích, có năng lực, có năng khiếu hay giúp chúng có những nhận thức thích đáng hơn về thế giới xung quanh. Ngoài ra, không ai phủ nhận những hoạt động và thành tích văn hóa là rất cần thiết để làm cho con người văn minh hơn. Sự hiểu biết sâu rộng về vẻ đẹp cuộc sống sẽ giúp con trẻ trở nên thông thái hơn, nhân hậu hơn và xem trọng cuộc sống xung quanh chúng. Tuy nhiên, để học được những kỹ năng này, các bậc cha mẹ không được đặt một áp lực nào lên đầu chúng. Không bao giờ khuyến khích con cái tranh hơn tranh thua với bè bạn, hàng xóm. Hãy khuyên chúng rèn luyện những kỹ năng tốt đẹp để cải thiện chất lượng của cuộc sống và điều cần nhất là không được áp đặt.

Một điều quan trọng nữa là phải biết phân biệt được cái gì cần thiết và cái gì không cần thiết. Thành công và hạnh phúc không chỉ nằm ở thành tích. Cha mẹ không được gây áp lực cho con cái đối với những việc làm không thiết thực – chẳng hạn như ép buộc chúng phải làm những việc quá khả năng: trở thành nhà lãnh đạo trong khi chúng không thích hoặc ép buộc chúng phải trở thành một ngôi sao điền kinh khi mà chúng không hứng thú với thể thao. Kết quả của những việc làm này là con trẻ sẽ phải chịu đựng những áp lực và trách nhiệm từ người lớn. Cuối cùng, chúng sẽ trở nên mệt mỏi, bơ phờ, hay cáu gắt và dễ nản chí. Chúng không được hưởng thụ cuộc sống ấu thơ. Điều này còn dễ dẫn đến tình trạng lo lắng bất an khi chúng trưởng thành. Nói tóm lại, chúng ta đừng để những cám dỗ và tham vọng của mình cướp đi tuổi thơ của lũ trẻ…”

Phuong Hako trích dẫn

(Bạn đọc cần mua sách hoặc tìm sách, vui lòng liên hệ qua Fb cá nhân của Hako nhé!)
https://www.facebook.com/lephuonghako

Leave a Comment