FREELANCER VÀ CHUYỆN CHI PHÍ
Rất nhiều người giỏi lựa chọn trở thành Freelancer để có thể làm được nhiều việc mà họ ấp ủ. Ngoài việc quản lý thời gian sao cho hiệu quả cũng như thiết lập một môi trường làm việc kỷ luật, đều đặn mỗi ngày. Vấn đề đàm phán chi phí cũng khiến nhiều bạn băn khoăn. Thậm chí nếu không khéo léo và chuyên nghiệp ngay từ đầu thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cả đôi bên.
Mình muốn chia sẻ chủ đề này là bởi trong khóa đồng hành viết T3 vừa qua, có một em học viên lớp content của mình tâm sự về việc bị trả chậm tiền bài viết. Cũng như tình trạng hiện nay, rất nhiều bạn content gặp vấn đề về tiền nhuận bài. Thậm chí bị “bùng tiền” bài viết. Mà không biết xử trí như thế nào.
Rõ ràng và chuyên nghiệp
Những người làm việc tự do thường dễ gặp nhiều vấn đề phát sinh khi thỏa thuận hay đàm phán với khách hàng. Nếu không có kinh nghiệm/không biết cách nói chuyện, sẽ có lúc ta cảm thấy có điều gì đó không thỏa đáng, không hợp lý. Vậy giới hạn nào để người làm việc tự do có thể thoải mái cống hiến chất xám. Mà không lo sợ chuyện thua thiệt về chi phí. Với Phương, đó chính là sự RÕ RÀNG và CHUYÊN NGHIỆP ngay từ đầu.
Hãy trao đổi cụ thể, rõ ràng về cách thức làm việc, quy trình, thời gian. Và đặc biệt là mức chi phí, cách thanh toán…ngay lúc ban đầu. Thực ra, ai cũng muốn sự minh bạch nhưng nếu bạn cứ ậm ừ. Không có chính kiến thì chính sự chần chừ ấy khiến khách hàng muốn kéo dài thời gian.
Màn “chào hỏi” tuy có vẻ mất thời gian thế nhưng lại có lợi về lâu dài. Nhất là khi bạn đã đảm bảo được chất lượng và hiệu quả khi làm việc. Họ sẽ càng đánh giá cao năng lực của bạn và càng muốn gắn bó với bạn hơn trong nhiều dự án khác.
Freelancer – Chuyên nghiệp ngay từ đầu
Sự chuyên nghiệp còn nằm ở cam kết đúng hẹn. Thời gian của ai cũng quý giá. Khách hàng trả tiền cho bạn để nhận lấy kết quả. Bạn cũng đang bán thời gian và tri thức của mình để phục vụ cho những mục đích khác. Vậy khi cả hai cùng tôn trọng thời gian của nhau, chúng ta mới có thể đồng hành lâu dài. Nếu không cảm nhận được tính chuyên nghiệp trong cung cách làm việc. Bạn cũng không nên “cố đấm ăn xôi” mà làm gì. Bởi những dự án này chỉ làm tiêu hao năng lượng và không giúp bạn phát triển hơn.
Về chuyện đàm phán mức giá và chi phí, nhiều bạn cảm thấy thật khó để mở lời. Nhưng nếu không ai mở lời thì e rằng sẽ khó mà có hợp tác dài lâu. Chuyện trả phí, nó không đơn thuần là vấn đề tiền bạc. Mà còn là sự ghi nhận về năng lực, coi trọng thời gian của cả hai bên. Nếu chúng ta không quý trọng công sức của mình thì cũng thật khó trách đối tác không đề cao chuyện đó.
Dừng lại để bắt đầu
Với mình, đôi khi nói KHÔNG và DỪNG LẠI chính là giải pháp để cả 2 cùng tìm được người đồng hành phù hợp. Mặc dù chuyện đó không hề dễ dàng nhưng nếu những nguyên tắc làm việc mà bạn cố gắng xây dựng lại không được đáp ứng. Không được coi trọng thì cũng không nên cố tiếp tục.
Phương đã từng gặp trường hợp: Khách hàng trong quá trình làm việc muốn làm thêm abcxyz (không có trong thỏa thuận lúc ban đầu). Mỗi ngày dành khá nhiều thời gian để nói chuyện qua Zoom (chẳng khác nào một cuộc họp ngắn mỗi ngày). Vậy thì mức chi phí không thể nào là con số lúc ban đầu. Khi đề xuất tăng mức chi phí và khách hàng không đồng ý. Mình đã lựa chọn DỪNG LẠI. Dù khách hàng đã thanh toán 50% chi phí trước khi bắt đầu. Và muốn mình tiếp tục đủ cho số tiền đã trả. Mình cũng sẽ hoàn lại số tiền tương ứng với bài viết chưa hoàn thành. Mình không muốn lãng phí năng lượng viết với một dự án mà mình biết mình không phù hợp với nó nữa.
Từ chối để bảo tồn năng lượng
Và bạn biết không, khách hàng sẽ biết ơn khi chúng ta biết cách từ chối. Vì chúng ta không muốn tạo ra một kết quả dở, không vì số tiền đã nhận mà làm qua loa, mất uy tín.
Mình sẽ không nhận dự án khi biết rằng chủ doanh nghiệp không tâm huyết với nó, không dành thời gian cho nó. Dù có bận cỡ nào, nếu không hồi đáp chuyên nghiệp, không có sự kết nối, mình nhất định sẽ TỪ CHỐI. Là bởi chính mình cũng muốn dành tâm sức đi lâu dài với những dự án thực sự CẦN đến mình. Và cùng xây dựng giá trị doanh nghiệp vững bền thông qua nội dung chất lượng.
Nếu chỉ làm cho có làm, xin đừng contact với mình!
Còn nếu làm cho đáng làm, đáng công sức bỏ ra. Đừng tiếc chi phí để đầu tư cho nội dung và tìm kiếm người đồng hành giỏi.