Tu tập, một cụm từ mà chắc hẳn quý vị nghe cũng đã nhiều. Tuy nhiên cái biểu hiện rõ nhất của người có tu không phải là vốn kiến thức Phật Pháp tích lũy được, mà chính thái độ sống của người đó được toát ra từ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý .
Đa phần chúng ta thực hành máy móc, nghe ai nói sao thì làm vậy, mà không có Chánh Kiến và sự suy xét, tư duy cho thấu đáo, để từ đó có thể rút ra kinh nghiệm trong việc dụng tâm và tu tập.
Ở bài viết này người viết không có đi vào cụ thể của từng pháp tu, mà chỉ trình bày về những dấu hiệu, hay kết quả hiện ra của một người tu đúng, gieo nhân đúng, công phu đúng qua một khoảng thời gian tu nhất định, kết quả tùy vào phước duyên và nỗ lực của từng người.
Người tu đúng thì qua thời gian các dấu hiệu sau thường hiện ra :
1. Phong cách điềm nhiên, nhẹ nhàng, bình tĩnh, thư thái :
Vì qua một quá trình dụng tâm, kiểm soát tâm, giống như việc thuần hóa một con thú hoang dại, quen nhảy nhót, là tâm chúng ta.
Sau một thời gian, nếu người ấy kiểm soát tâm tốt, buông bỏ cái tôi, xả ly sự kiêu mạn thuộc về..”sở trường, sở đoản” của bản ngã
thì sự điềm đạm, điềm nhiên và thư thái sẽ hiện ra, nó là kết quả tự nhiên của một cái tâm đã được chế ngự và thuần hóa.
2. Mặt mũi, tướng mạo nhìn tươi và sáng :
Vì giữa tâm và thân tướng, chúng có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Một người mà trong tâm an vui, có tu tập và chuyển hóa được các nghiệp chướng thì dần dần diện mạo bên ngoài của người ấy nhìn sẽ rất sáng, mặt lúc nào cũng rất tươi vui, không có u sầu, đau buồn, lúc nào cũng tràn đầy sức sống. Người nào có được những điều như vậy, thì đây là một dấu hiệu của người tu đúng.
3. Giọng nói có ái ngữ, nồng hậu:
Đây là do bên trong tâm người ấy tu qua thời gian đã có sự tăng trưởng tâm từ tâm bi, một tình thương bình đẳng, và rộng lớn với tất cả muôn loài. Từ sự thương yêu chân thành cho dù giọng nói mộc mạc, chất phát mà vẫn đầy nhân văn, ấm áp, nồng hậu và đến được lòng người..
Và hơn nữa, cũng do sau một quá trình tu và kiểm soát khẩu nghiệp, biết cân nhắc trước khi cất lời, nên những lời nói của họ dần trở nên rất chuẩn mực. Như họ không nói dối, không nói ác khẩu, không nói hai lưỡi, không nói chia rẽ, không nói xấu, viết xấu đả kích, bôi nhọ sau lưng người v.v…
?4. Đời sống tinh thần mãn túc, cuộc sống vật chất ổn định không bị thiếu thốn :
Nhiều người tu, nhưng càng tu mà càng càng nghèo túng, lúc nào cũng bị những nhu cầu vật chất căn bản bức bách. Đây là dấu hiệu của tu mà không có phước, thiếu phước, vì
không biết làm phước. Nên người tu đúng là tiền của, cái ăn, cái mặc tuy không giàu như người đời nhưng lúc nào cũng có đủ, người ấy không tham, không hưởng thụ, và lấy đời sống
đơn giản và thanh bạch làm nguồn vui.
5. Mọi việc đều chuyển từ xấu thành tốt :
Trong cuộc sống, khi sinh hoạt, giao lưu và làm ăn trong xã hội, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp toàn thuận lợi cả. Có những lúc cũng khó khăn, hoặc bị đặt trong những tình huống khó xử, khó giải quyết, rất nan giải. Thế nhưng người tu tốt, chắc chắn sẽ chuyển được nghiệp cũ và có được sự gia hộ của Chư Phật. Nhờ đó họ sẽ từ từ tháo gỡ ra được mọi bế tắc. Mọi việc xấu sẽ biến thành tốt dần dần như ý nguyện. ”Phước tùy tâm sanh.
Cảnh tùy tâm chuyển” là thế!
?6. Trong gia đình thì thường gặp may mắn, thuận hòa, an vui :
Do tâm được huân tu tốt, tâm từ lan tỏa tốt nên tâm của người tu ấy sẽ lan tỏa những nguồn năng lượng tốt ra xung quanh, và những người sống chung cùng, sống gần sẽ dần bị thay đổi theo, là cũng hiền lành, và thánh thiện dần. Một khi cảm hóa đươc ai
cũng hiền lành, tức là họ cũng đang gieo nhân lành, tức có quả thiện quả may mắn hạnh phúc. Hơn nữa, khi một người tu tốt từ trường
của họ sẽ tự động thu hút quý nhân giúp đỡ cho gia đình và quyến thuộc cuả người ấy. Nên gia đình người đó cũng sẽ gặp được nhiều may mắn hạnh phúc.
Trên đây là những dấu hiệu cơ bản của người tu đúng hiện ra, bạn có thể viết thêm những đặc điểm khác dựa trên trải nghiệm cá nhân. Còn nếu chúng ta tu thời gian mà không có dấu hiệu nào trên đây hết. Thì cần nên xem xét lại cách tu, có thể mình đang tu sai, tu trật điều gì đó. Tu có nghĩa là chuyển hóa tư tưởng
và hành vi và sống có hạnh phúc hơn, và tu có nghĩa là cạo tâm chứ chẳng phải cạo đầu.
Như Nhiên
Thích Tánh Tuệ