Góc nhìn về tính nữ trong Muôn vị nhân gian – Trần Anh Hùng
Muôn vị nhân gian là bộ phim mang đến cho mình cảm giác dịu dàng, đầy chất thơ, mỗi khuôn hình đều đẹp như một bức tranh cổ điển.
“Anh có thể ngồi đây ngắm em ăn?” – Đó là một trong những câu thoại mình rất ấn tượng trong phim. Muôn vị nhân gian không chỉ khơi gợi cảm xúc từ các món ngon được đặc tả tỉ mỉ mà còn khiến người xem bâng khuâng, thổn thức bởi câu chuyện tình sâu lắng của Eugenie – nữ đầu bếp tài hoa và Dodin, người sành ăn mà cô đã làm việc cùng trong hơn 20 năm qua.
Một Eugenie lặng lẽ, khiêm nhường làm nhiều món ngon cho Dodin đãi thực khách. Rồi khi bà lâm bệnh, Dodin xắn tay làm từng món để mang lên bàn cho người tình thưởng thức. Nhìn ngắm cách cả hai nấu nướng hệt như những vũ công ba lê mà sàn diễn của họ chính là căn bếp. Họ tin rằng, một món ăn mới được chế biến thành công sẽ mang lại hạnh phúc cho con người. Họ chia sẻ với nhau những quan điểm, kinh nghiệm về ẩm thực cũng như dành những ái ngữ cho nhau.
Một điều mà mình cảm thấy rất ấn tượng đối với nhân vật nữ chính Eugenie không chỉ là phong thái thanh lịch, sự chừng mực của nàng mà đó còn là sự tự chủ, bình thản, điềm tĩnh trong mọi lựa chọn…
Có thể nói, Muôn vị nhân gian là một không gian tự sự điện ảnh mà mỗi khuôn hình đều đẹp như một bức tranh cổ điển, trong đó, sự điều tiết của ánh sáng được xử lý đầy tinh xảo. sự tinh tế và ý thơ trong cảnh quay dài ngay đầu phim tái hiện một cảnh làm bếp tỉ mỉ, nhịp nhàng, không cần phải truyền đạt một thông điệp nào, ngoài cái đẹp từng động tác của diễn viên, của các thực phẩm và nhất là sự giao cảm tuyệt vời giữa 2 nhân vật chính. Sự nhịp nhàng chính là khoái cảm thẩm mỹ mà bộ phim muốn đem đến cho người xem – nó không chỉ là sự nhịp nhàng trong sự phối hợp công việc mà đến từ sự đồng điệu, sự thấu hiểu, sự tri âm, chẳng cần phải nói thành lời.
Trong khi dõi theo chuyển động máy quay từ căn bếp theo dọc hành lang lên phòng ngủ của Eugenie, người xem dường như chìm đắm trong một không gian đầy niềm hoan lạc dịu dàng. Phim của Trần Anh Hùng luôn mang đến cảm giác dịu dàng như thế!
Dodin được ngợi ca là một Napoleon của nghệ thuật ẩm thực, một ông hoàng, nhưng chưa ai gọi ông là một “nhà thơ.” Ở một góc nhìn nào đó, cả Dodin và Eugenie đều làm thơ trên các món ăn của mình – nếu ta hiểu rằng gốc của thơ là nhịp, là sự nâng niu đối với chất liệu. Với Dodin, ẩm thực – thứ tưởng như thỏa mãn cái nhu cầu vật chất trần thế nhất của con người – đều có thể trở nên đẹp, ngay kể cả trong động thái tưởng như phàm tục nhất là nhai nuốt.
Sự đồng điệu của tình yêu còn được cảm nhận qua khung cảnh khi hai người ngồi chuyện trò trong bóng tối, xa kia là ánh trăng, Dodin ngỏ lời muốn kết hôn cùng Eugénie (không biết là lần thứ bao nhiêu) và bà vẫn một mực từ chối để giữ cho mình cái quyền được khoá trái cửa phòng. Họ ngồi cùng nhau trong bóng tối, cách nhau một chiếc bàn đựng bình rượu, những món nhấm nháp, thuốc hút, không hề có sự chung đụng, hoàn toàn tương kính như tân.
Và không thể không nhắc tới cảnh sau khi Eugénie và Dodin thông báo kết hôn với bạn bè, họ tản bộ dưới những tán cây và kề bên là cánh đồng ánh nắng rực rỡ của những ngày có lẽ là cuối hạ đầu thu. Eugénie đi trước và Dodin theo sau, không quá xa cũng chẳng quá gần, từ góc máy quay, từ những bước chân của họ, từ ánh sáng, ta cảm nhận rõ sự đồng điệu, một tình yêu đem lại cảm giác mát lành, miên man như những tán lá cây. Trần Anh Hùng cho ta tận hưởng những khoái cảm điện ảnh mà rất khó để ta có thể diễn tả tốt bằng ngôn ngữ thông thường được.
Mời bạn cùng Phuong Hako khám phá góc nhìn về tính nữ trong bộ phim này nhé!
Link Full review chi tiết xem thêm ở đây ạ 🌿
#PhuongHako
#FilmsbyHako